Kiểm soát chặt chẽ hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm dịp Tết Nguyên đán
Là một trong những khâu quan trọng trước khi đưa thực phẩm tươi sống đến với người tiêu dùng, tuy nhiên, việc kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm (GSGC) trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều bất cập. Thực trạng này không chỉ gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm, mà còn là nỗi lo thường trực của người tiêu dùng, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán.
Là một trong những khâu quan trọng trước khi đưa thực phẩm tươi sống đến với người tiêu dùng, tuy nhiên, việc kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm (GSGC) trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều bất cập. Thực trạng này không chỉ gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm, mà còn là nỗi lo thường trực của người tiêu dùng, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán.
Trên địa bàn tỉnh có nhiều điểm giết mổ GSGC nhỏ lẻ trong nhân dân, gây khó khăn cho chính quyền, ngành chức năng trong việc kiểm tra, kiểm soát. Có mặt tại chợ Tây Thành, phường Tân Sơn (TP Thanh Hóa) chúng tôi nhận thấy, có 5 - 6 hộ hoạt động dịch vụ giết mổ gia cầm. Tuy nhiên, việc giết mổ được tiến hành ngay trên nền đất. Trong quá trình giết mổ, phần thịt, nội tạng, phân, lông gà, vịt, nước thải... chưa được phân khu rõ rệt... Bà Hoàng Thị Hà, một tiểu thương bán gà tại chợ Tây Thành, cho biết: “Dịp Tết Nguyên đán, dự kiến lượng tiêu thụ gia cầm tại chợ tăng gấp 2-3 lần ngày thường. Đa phần khách hàng mua gà, vịt đều yêu cầu làm ngay tại chợ. Do địa điểm giết mổ chật, cơ sở vật chất chưa bảo đảm nên đôi khi còn xảy ra tình trạng mất mỹ quan và chưa bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm”. Dạo qua các khu chợ dân sinh trên địa bàn TP Thanh Hóa, như: Chợ Điện Biên, chợ đầu mối hoa quả Đông Hương, chợ Nam Thành... những hình ảnh tương tự cũng xảy ra phổ biến.
Ông Lương Xuân Vũ, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, cho biết: Trên địa bàn tỉnh có 2.072 cơ sở giết mổ đang hoạt động; trong đó, có 23 cơ sở giết mổ tập trung và 2.049 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ. Hằng ngày, cung cấp cho thị trường khoảng 311 tấn thịt GSGC. Sản phẩm động vật sau giết mổ được tiêu thụ tại 448 chợ trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, chỉ có 205 chợ kinh doanh thực phẩm tươi sống có sự giám sát của cơ quan thú y, chiếm 45,76%. Hầu hết tại các chợ, cơ sở vật chất, trang thiết bị tại các chợ buôn bán sản phẩm động vật yếu kém, không bảo đảm vệ sinh thú y, môi trường, chất lượng thịt chưa được kiểm soát chặt chẽ... Nguyên nhân chủ yếu do một số địa phương chưa quan tâm, thậm chí buông lỏng công tác quản lý về vận chuyển, giết mổ, chế biến, tiêu thụ thịt GSGC. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá phân loại các cơ sở giết mổ chưa triệt để, chậm phát hiện và không kịp thời xử lý các vụ việc vi phạm. Lực lượng thanh tra, kiểm tra hạn chế về số lượng và chất lượng. Việc xử lý vi phạm chưa nghiêm, nhiều đơn vị, cán bộ thiếu trách nhiệm, buông lỏng công tác quản lý về vận chuyển, giết mổ, kinh doanh thịt GSGC... Ngoài ra, việc kêu gọi, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung theo quy hoạch còn chậm. Các chợ cóc, chợ tạm, chợ tự phát trên địa bàn tỉnh còn nhiều, không được kiểm soát...
Thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, nhu cầu thực phẩm tươi sống của người dân tăng cao. Ngoài ra, do ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn châu Phi nên nguồn cung cầu thực phẩm, nhất là thịt lợn tại nhiều nơi trên địa bàn tỉnh thiếu cân đối. Do đó, tình trạng giết mổ, vận chuyển càng được cơ quan chức năng và chính quyền các cấp quản lý, siết chặt nhằm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và giảm thiểu việc lây lan, phát tán dịch bệnh. Để hạn chế những tồn tại trong hoạt động giết mổ GSGC, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã tích cực tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cơ sở trong hoạt động giết mổ; phổ biến các quy định của pháp luật về thú y đến các hộ tham gia giết mổ động vật, vận chuyển, kinh doanh thịt GSGC. Đồng thời, cấp giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm cho chủ cơ sở, người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm đủ điều kiện theo quy định; tăng cường kiểm soát, kiểm tra vệ sinh thú y tại các cơ sở giết mổ... Phối hợp với lực lượng công an, quản lý thị trường kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định trong hoạt động giết mổ, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y, xây dựng chuỗi truy xuất nguồn gốc, giới thiệu các dây chuyền công nghệ giết mổ hiện đại, các mô hình giết mổ điển hình, góp phần bảo đảm an toàn thực phẩm cho người dân trong dịp Tết Nguyên đán.